Chán ăn ở người lớn do nhiều nguyên nhân, nhiều người do những nguyên nhân rất đơn giản như: khi có việc lo lắng, buồn phiền hay bị áp lực công việc. Một số người cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn, thậm chí chán ăn và không có hứng thú với ăn uống. Căng thẳng, stress là tình trạng xảy ra thường xuyên ở cuộc sống hiện đại. Áp lực công việc nhiều thứ lo toan khiến chúng ta dễ bị căng thẳng, stress. Những hậu quả kéo theo là tình trạng mất ngủ, tinh thần bất ổn, cơ thể mệt mỏi cho nên ăn không ngon, thậm chí không buồn ngó đến thức ăn. Đó cũng chính là lý do tình trạng chán ăn được khơi mào.
Ăn uống thất thường được coi là một trong những nguyên nhân gây chán ăn. Ngoài ra, chán ăn liên quan đến bệnh tật, thuốc men hoặc yếu tố môi trường khác. Cũng có trường hợp đột nhiên không muốn ăn, không vì áp lực gì, người mệt mỏi, sụt cân thì đó có thể là dấu hiệu sớm của một số bệnh lý nguy hiểm.
Chán ăn, sụt cân có thể do nguyên nhân thần kinh hoặc do một bệnh lý mạn tính (lao, sốt rét, ung thư…). Trong đó, với bệnh về lao như: lao phổi, lao ruột, lao cột sống, lao màng phổi, lao màng bụng, lao ổ bụng… thường hay chán ăn kèm theo sốt. Sức đề kháng và hệ miễn dịch của người bị lao thường yếu đi, do đó, vấn đề dinh dưỡng rất quan trọng, nhất là vitamin, kẽm, sắt… Ngoài ra, chán ăn cũng là một biểu hiện của bệnh về nội tiết, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, suy tuyến giáp hay suy tuyến thượng thận.
Thiếu vitamin và khoáng chất cũng có thể là nguyên nhân thiếu sắt hoặc vitamin B12 có thể gây ra các triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, táo bón, chảy máu nướu. Ngoài ra, nếu bị cảm cúm, viêm nhiễm cũng dẫn đến chứng “bỗng nhiên chán ăn”.
Một số bệnh đường tiêu hóa cũng là thủ phạm gây mất vị giác, ăn không ngon và gây chán ăn. Khi cơ thể bị rối loạn tiêu hóa thì cơ thể không hấp thu được chất dinh dưỡng của thức ăn.
Ăn kiêng quá mức cũng là nguyên nhân gây chán ăn ở phái đẹp, đối với một số người bị tác động bởi tiêu chuẩn “siêu gầy”. Ngoài ra, tình trạng biếng ăn, chán ăn ở người lớn cũng xảy ra ở một số trường hợp ăn kiêng không hợp lý.